KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN XIN VISA DU HỌC ANH

09:09 | 21-07-2020 319 lượt xem

Khi đi du học ở Anh, các bạn học sinh, sinh viên đều phải trải qua giai đoạn phỏng vấn. Một buổi phỏng vấn thành công sẽ giúp các bạn học sinh đạt được tấm vé để theo học tại ngôi trường mơ ước của mình. Tuy nhiên, phần lớn các bạn thường có tâm lý lo lắng trước khi tham gia buổi phỏng vấn. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số kinh nghiệm khi phỏng vấn giúp các bạn giảm bớt căng thẳng cũng như cung cấp thêm những thông tin bổ ích cho buổi phỏng vấn thành công nhé!

 

A. Mục tiêu của mỗi cuộc phỏng vấn xin Visa Anh là gì?

Trên thực tế, mục tiêu của việc phỏng vấn xin Visa Anh nhằm kiểm tra trước hết là khả năng tiếng Anh để đáp ứng luật di trú của Anh. Bên cạnh đó, buổi phỏng vấn sẽ đánh giá trình độ hiểu biết của học sinh về đất nước, trường học, ngành học, kế hoạch học tập, cuộc sống ở Anh và liệu sinh viên có mục đích đi học tập thật sự hay không,…

Như vậy, nhiệm vụ của các bạn học sinh, sinh viên trước hết là phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin, các chi tiết về khóa học, trường học của mình và cũng như về đất nước Anh, văn hóa, con người Anh – nơi các bạn chuẩn bị gửi gắm ước mơ du học. Tất nhiên, viên chức lãnh sự quán sẽ không đánh đố hay làm khó nên các bạn hoàn toàn có thể tự tin trả lời và ứng đáp linh hoạt. Lưu ý hàng đầu là thể hiện thái độ trung thực, lịch sự và nhã nhặn.

Quan trọng hơn nữa là các bạn nên chuẩn bị tâm lý vững vàng cũng như trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ, khả năng nghe hiểu và khả năng ứng biến bằng tiếng Anh. Các câu hỏi mà viên chức lãnh sự đặt ra có thể sẽ thay đổi tùy thuộc theo câu trả lời của bạn, bởi vậy, khả năng nghe hiểu tốt và đối đáp theo tình huống sẽ hỗ trợ rất nhiều cho một buổi phỏng vấn thành công nhất.

B. Một số câu hỏi thường gặp khi đi du học Anh và gợi ý trả lời:

1. Tại sao bạn lại chọn học ở Anh mà không học trong nước hay nước khác?

Đối với câu hỏi này, nên nhấn mạnh đến chất lượng giáo dục hàng đầu, đẳng cấp thế giới của các trường Cao đẳng hay đại học tại Anh; chương trình học được chọn không có ở quốc gia nơi bạn sinh sống; khóa học bằng tiếng Anh là thiết yếu để bạn nâng cao kiến thức và tương lai cho nghề nghiệp sau này, cụ thể hơn thì nêu ra những dẫn chứng hay số liệu thực tế để thuyết phục viên chức lãnh sự quán về tương lai nghề nghiệp triển vọng sau khi học xong; Không chỉ vậy, việc học tập ở “ cái nôi” của tiếng Anh sẽ mở rộng khả năng ngôn ngữ của như bạn thế nào; bạn hiểu biết và ấn tượng với nền văn hóa, đất nước, phong tục và con người Anh ra sao…

Bên cạnh đó, bạn nên khẳng định rằng đã tìm hiểu các quốc gia khác như Úc, Mỹ, Canada nhưng Anh quốc vẫn là sự lựa chọn hàng đầu…

2. Tại sao bạn lại chọn học tại trường cao đẳng/ đại học này?

Đây là câu hỏi đòi hỏi các bạn phải nắm vững các thông tin cơ sở dữ liệu về trường tìm hiểu về thành phố, vùng, bang nơi trường tọa lạc, nắm được các thông tin về xếp hạng, danh tiếng của trường ở trong nước cũng như trên toàn thế giới, biết về chất lượng, uy tín của trường, tỷ lệ thành công của các sinh viên tốt nghiệp hay chuyên ngành bạn lựa chọn là thế mạnh đào tạo của trường nên đảm bảo bạn được học tập và truyền đạt những kinh nghiệm tốt nhất…

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, tuy nhiên chất lượng thông tin đưa ra cần chính xác, rõ ràng, mạch lạc và quan trọng nhất là thể hiện được cho viên chức lãnh sự thấy được mục đích đi học tập thực sự và sự đầu tư tìm hiểu của sinh viên.

Ngoài ra sinh viên cũng nên trả lời rằng đã cân nhắc 1 số trường trước khi đưa ra quyết định lựa chọn trường theo học và kể tên các trường đã cân nhắc ra.

3. Tại sao bạn lại chọn chuyên ngành này? Nó có liên quan đến ngành học của bạn trước đây không?

Câu này nên trình bày lý do tại sao mong muốn học tập ngành đã chọn (có thể là do sở thích, đam mê, ước mơ, thế mạnh của bản thân, ngành đã chọn sẽ phục vụ được cơ hội nghề nghiệp của bản thân như thế nào...vv...), mục đích học tập - kế hoạch tương lai ra sao, học ngành đó có lợi ích gì sau khi tốt nghiệp? Trường hợp nếu không liên quan đến ngành học trước thì phải trình bày lý do tại sao quyết định chuyển ngành.

4. Bạn có kế hoạch gì khi học xong?

Nếu là học sinh theo học các khóa dự bị hay A-level, học sinh cần đưa ra những thông tin về ngành học ở bậc Đại học và dự định cụ thể sau khi học xong

5. Bạn có dự định làm việc ở Anh sau khi khóa học kết thúc?

Câu này bạn nên trình bày với viên chức lãnh sự rằng bạn sẽ quay trở về nước sau khi kết thúc khóa học sau đó sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm , kĩ năng có được để tìm kiếm công việc tốt, lương cao hoặc giúp công ty gia đình hay xây dựng công ty riêng… phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân.

6. Ai là người chi trả/ bảo lãnh cho việc học của bạn ở Anh? Nghề nghiệp của họ? Họ có sẵn sàng cung cấp các bằng chứng về thu nhập không?

Đây là câu hỏi phổ biến nhất dùng để xác minh nguồn tài chính để đi học tại Anh. Câu này cần được trả lời rõ ràng với nghề nghiệp hiện tại của người bảo lãnh, thu nhập hàng tháng của người bão lãnh qua các nguồn (công việc, , thuê nhà đất, thuê xe…, Bên cạnh đó, cần nêu ra các tài sản khác như (sổ tiết kiệm, nhà đất, ô tô, cổ phần, cổ phiếu, hợp đồng bảo hiểm…)

Ngoài ra nếu sinh viên được học bổng, cần nêu ra giá trị thực tế của học bổng và cung cấp những tài liệu cần thiết như thông tin chi tiết, giấy xác nhận của học bổng.

Hy vọng những thông tin trên phần nào sẽ giúp bạn tự tin hơn cho buổi phỏng vấn nhé!

--Nguồn: ST--