Người gốc Việt ở Mỹ có học vấn cao
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cộng đồng nhập cư gốc Á thế hệ thứ hai tại Mỹ có trình độ học vấn cao hơn cả người Mỹ da trắng.
Cố giáo sư ngành khoa học chính trị Đại học Harvard, ông Sam Huntington (1927 – 2008) từng đưa ra kết luận gây tranh cãi là người nhập cư không thể hòa nhập vào xã hội Mỹ. Những nhận định như thế dẫn đến nhiều định kiến trong xã hội đối với người nhập cư gốc Á bao gồm Việt Nam, theo trang tin U.S. News & World Report. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng đa số người nhập cư gốc Việt thế hệ đầu tiên sau chiến tranh Việt Nam chịu khó lao động vất vả để chăm lo cho tương lai con cái. Kết quả là thế hệ con cái của họ thành công trong nhiều lĩnh vực, có trình độ học vấn cao hơn người Mỹ da trắng, theo nghiên cứu mới đây.
Xem trọng học hành
Yếu tố then chốt giúp thế hệ Việt kiều thứ hai đạt được sự thành công này xuất phát từ việc cộng đồng gốc Á xem trọng giáo dục. Họ luôn quan điểm rằng sở hữu tấm bằng đại học hay cao hơn sẽ mang đến thành công về kinh tế, địa vị xã hội, sức khỏe, gia đình ổn định và nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Hai chuyên gia Brian Duncan, Stephen J.Trejo thuộc Đại học Colorado và Đại học Texas đã nghiên cứu dữ liệu của Cục Thống kê dân số, Cục Thống kê lao động Mỹ trong giai đoạn 2003 – 2016 và phát hiện các nhóm người nhập cư có trình độ học vấn khá cao, đứng đầu là gốc Á. Riêng trong cộng đồng gốc Á, thế hệ Việt kiều sinh ra tại Mỹ đứng hàng thứ 4 sau Hàn Quốc về việc học (sở hữu ít nhất một bằng đại học trở lên), trong khi Ấn Độ đứng đầu và Trung Quốc xếp hạng 2, theo số liệu tổng hợp từ nghiên cứu “Sự hòa nhập kinh tế – xã hội của người nhập cư ở Mỹ” công bố vào tháng 3.2018.
Giáo sư Trejo cho biết: “Thế hệ thứ hai giúp thay đổi định kiến cho rằng dân nhập cư thường chỉ biết siêng làm những công việc lao động phổ thông”. “Nhìn chung, người gốc Á chăm chỉ và chịu khó học tập. Dân Mỹ da trắng có phần thoải mái và để cho con cái tự do quyết định chuyện học hành. Tuy nhiên, cha mẹ gốc Việt nghiêm khắc hơn vì mong muốn con cái có tương lai tươi sáng nên luôn động viên và đôn đốc, thậm chí thúc ép”, anh Lê Đôn, một người Mỹ gốc Việt, Tổng giám đốc, nhà đồng sáng lập Trường Everest Education (E2) tại TP.HCM, chia sẻ với Thanh Niên.
Công thức thành công
Một số học giả và giới truyền thông gọi cộng đồng gốc Á là kiểu mẫu của thành công tại Mỹ nhờ đức tính siêng năng, tiết kiệm, chịu khó học tập và làm việc. Tại đại học hàng đầu như Harvard, Yale và Princeton, sinh viên Mỹ gốc Á chiếm đến 1/5 sĩ số, theo một nghiên cứu của Đại học California. Các nhà xã hội học cho rằng sự thành công của người gốc Á không chỉ nhờ cần cù, siêng năng mà là tinh thần đoàn kết, sống tập trung, lấy gia đình làm trung tâm và luôn đảm bảo cho con cái học hành tử tế. Khi đến Mỹ, họ đã xây dựng thành công “thủ phủ người thiểu số”, chẳng hạn Little Saigon hay Chinatown, theo chuyên gia kinh tế George Borjas thuộc Đại học Harvard.
Trong quyển sách The Asian American Achievement Paradox dựa trên 140 cuộc phỏng vấn sâu với con cái của người nhập cư gốc Việt, Trung Quốc và Mexico ở thành phố Los Angeles, hai nhà xã hội học Jennifer Lee và Min Zhou chỉ ra rằng có nhiều cơ sở giáo dục, chẳng hạn chương trình gia sư, học viện và tư vấn hướng nghiệp tập trung tại các “thủ phủ” này. Bên cạnh đó, tại nhà thờ, đền chùa hoặc trung tâm cộng đồng, những bậc cha mẹ nhập cư chia sẻ thông tin về trường công tốt nhất cũng như định hướng vào đại học hàng đầu và chọn nghề cho con cái, theo tiến sĩ Lee thuộc Đại học California. “Những buổi hội thảo về tuyển sinh đại học giúp ích cho rất nhiều gia đình nhập cư thuộc tầng lớp lao động phổ thông. Cha mẹ gốc Á sẵn sàng cho con cái đi học thêm, thậm chí học trước chương trình chính khóa”, bà Lee nói với đài CNN.
Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Lee, một nữ Việt kiều 25 tuổi tên Hannah chia sẻ cô cùng nhiều người đồng trang lứa được cha mẹ cho đi học thêm trước chương trình vào dịp hè. “Đa số học sinh trung học gốc Á đều học trước chương trình nên khi năm học mới chính thức bắt đầu, mọi người nắm kiến thức rất vững vàng. Bên cạnh đó, chúng tôi được cha mẹ cho học thêm nhiều thứ khác sau giờ học trên lớp như nhạc, tiếng Việt… Cha mẹ hy sinh và đầu tư mọi thứ cho việc học của tôi”, Hannah nói.
Anh Lê Đôn chia sẻ đa số người gốc Việt không có khoản nợ sinh viên như người Mỹ da trắng nhờ vào sự hỗ trợ hết mình của cha mẹ. Thời niên thiếu của người gốc Á thế hệ thứ hai chỉ gắn liền với việc học từng giờ từng phút kể cả mùa hè, nhưng nhờ đó họ đạt được thành công trong việc học và có nhiều cơ hội nghề nghiệp, theo tiến sĩ Lee.
--Nguồn: Theo Báo Thanh Niên--